/

Tết không bia rượu

14:46 16/02/2024
76 lượt xem

“Xin lỗi – tôi còn lái xe”. Một câu nói đơn giản nhưng đã hóa giải được rất nhiều hành vi ép bia, ép rượu, chúc tụng say sưa.

Tết Nguyên đán đã trôi qua nhưng số lượng bia rượu chuẩn bị trước đó trong gia đình ông Nguyễn Hữu Trí (phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh) vẫn còn dư khá nhiều. Phần lớn những người bạn đến nhà chúc Tết đều lấy lý do lái xe nên tránh đụng đến bia rượu. Không bia, rượu nhưng tình cảm ngày Tết vẫn ấm nóng với việc thưởng thức hoa quả, mứt kẹo, nước trà.

Ông Trí tiếp khách ngày Tết 

Nếu như trước đây nhiều người viện lý do Tết là phải vui, vui là phải uống dẫn đến ép bia, ép rượu không thể chối từ thì nay đã được hóa giải bằng câu nói “tôi còn lái xe”. Với những tín đồ bia rượu hoặc với những người vì lý do đặc biệt không thể từ chối thì sẽ phải có những phương án đảm bảo an toàn sau cuộc nhậu.

Đã cầm lái thì không uống, đã uống thì phải có người cầm lái – một sự thay đổi mang tính đồng loạt chưa từng có trong sinh hoạt ngày Tết. Kết quả này được mang lại bởi sự quyết liệt của Công an trong việc kiểm tra kiểm soát nồng độ cồn đối với tài xế.

Với tinh thần kiên quyết, không có vùng cấm, lực lượng chức năng đã làm việc xuyên Tết, trải rộng trên các địa bàn, xử phạt nghiêm khắc, nâng cao tính răn đe. Đã có 541 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn toàn tỉnh bị xử phạt trong khoảng thời gian từ ngày 29 đến mùng 5 Tết.

Đây được đánh giá là một con số khiêm tốn so với tình trạng nhậu nhẹt tràn làn, chạy xe tùy tiện vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Hạn chế bia rượu, thậm chí là nói không với bia rượu trong ngày Tết đã mang lại những hiệu ứng tích cực, nhất là về sức khỏe và an toàn tính mạng. Bằng chứng là số vụ tai nạn giao thông trong dịp Tết Giáp Thìn đã giảm 14,5%.

Như tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Tết năm nay ghi nhận lượng bệnh nhân bị tai nạn liên quan đến rượu bia giảm hẳn.

Luật cũ về nồng độ cồn là không xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn dưới 50 miligam/100 mililít máu, hoặc 0,25 miligam trên 1 lít khí thở. Quãng du di dưới 0,25 miligam đã khiến nhiều người vẫn chuyệnh choạng cầm lái sau khi bước ra từ quán nhậu và cũng gây nên nhiều tình huống tranh cãi.

Tuy nhiên, từ khi Nghị định 100 năm 2019 và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ra đời, quy định con số 0 tuyệt đối về nồng độ cồn khi tham gia giao thông được áp dụng, khiến cho các tài xế không còn bất cứ một cơ hội nào trong sử dụng bia rượu.

Nhiều người lý luận rằng: sự quyết liệt trong kiểm soát nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng đến ngành dịch vụ, nhà hàng, du lịch và sản xuất bia rượu. Thực tế cho thấy điều đó là không tránh khỏi về mặt trước mắt nhưng cái được về lâu dài sẽ lớn hơn rất nhiều khi mà các chi phí của gia đình, xã hội liên quan đến tai nạn, tổn thương sức khỏe được tiết giảm.

Và nữa, mỗi người sẽ không mất quá nhiều thời gian trên bàn nhậu, giữ được sức khỏe, tinh thần, trí tuệ minh mẫn, dành thời gian cho việc lao động sáng tạo, đóng góp hữu ích cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Câu nói “xin lỗi tôi phải lái xe” để thông cảm cho việc chối từ bia rượu, hay những hành động kiểu như “bắt tay thay nâng chén” đã được thực hành phổ biến trong ứng xử ngày Tết vừa qua.

Vấn đề là từ chỗ định hình đến việc duy trì như một thói quen và hơn thế là tạo thành phản xạ tự nhiên trong mỗi cá nhân sẽ còn là một khoảng cách lớn mà nếu không có cơ chế, biện pháp thì rất có thể sẽ lại trở về với câu chuyện “đá ném ao bèo”.    

Một cái Tết nhẹ nhàng, hạn chế, thậm chí là nói không với bia rượu đã trôi qua. Đó không chỉ là sự an toàn cho sức khỏe, tính mạng, là sự kiểm soát tai nạn, tệ nạn xã hội có thể phát sinh mà quan trọng hơn là hình thành một lối sống, một phong cách ứng xử văn minh trong sử dụng bia rượu./.

Kiều Sương/HTTV

Xem thêm phản hồi...