/

Thấy gì từ các vụ vỡ hụi?

09:03 27/12/2023
59 lượt xem

Hụi, họ, phường đã xẩy ra nhiều tình huống người chơi bị “giật hụi”, “bùng hụi”, “vỡ hụi” xảy ra, khiến các thành viên góp hụi bị mất trắng.

Dư luận Hà Tĩnh đã từng xôn xôn xao trước vụ việc vỡ hụi ở huyện Kỳ Anh. Theo đó đối tượng Hoàng Thị Thảo, 35 tuổi, trú tại xã Kỳ Giang bị tố cáo lừa đảo hàng chục tỷ đồng khi cầm đầu một dây hụi tại chợ Voi.

Anh Hoàng Văn Thanh là một trong số hàng trăm nạn nhân của vụ việc. Trước đó anh Thanh đã gửi Hoàng Thị Thảo số tiền gần 700 triệu đồng. Sự việc vỡ lở, anh đã phải đến cơ quan công an đến để trình báo.

Anh Hoàng Văn Thanh trình báo công an khi anh có nguy cơ mất 700 triệu đồng tiền chơi hụi

Ngay sau thông tin dây hụi của Hoàng Thị Thảo bị vỡ, đã có rất nhiều người dân các xã như: Kỳ Bắc, Kỳ Phong, Kỳ Tiến… tìm đến cơ quan công an để tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân phần lớn là tiểu thương buôn bán tại chợ Voi, huyện Kỳ Anh. Bản thân Thảo cũng là một tiểu thương tại chợ.

Theo phản ánh của các tiểu thương, từ năm 2018, do quen biết khi cùng buôn bán tại chợ Voi, Thảo đã nhiều lần đặt vấn đề huy động tiền tham gia vào các dây "hụi" với cam kết trả tiền gốc và lãi sòng phẳng.

Khi lôi kéo được hàng trăm người tham gia, Thảo đã lập ra nhiều dây hụi. Trung bình mỗi dây có 10 người, mỗi người tham gia phải góp số tiền ít nhất 100.000 đồng trên ngày. Lãi suất hàng tháng trả cho người tham gia do Thảo quyết định. Thời gian góp trong vòng 10 tháng, một tháng mở hụi một lần.

Nhiều người có nguy cơ trắng tay khi chơi hụi

Không chỉ gom tiền hụi, Thảo còn vay mượn tiền của rất nhiều người để làm ăn. Do những đổ bể trong các khoản đầu tư, buộc Thảo phải lấy nguồn tiền bên này để đập sang nguồn tiền bên kia, cho đến khi mất khả năng thanh toán. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Công an huyện Kỳ Anh đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.

Vỡ phường hụi thường xuất phát từ việc chủ dây hụi lợi dụng nguồn tiền huy động để đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro, dẫn tới mất khả năng thanh toán. Các thành viên góp hụi thường chạy theo lợi ích trước mắt nên tăng số lượng, tần suất góp tiền dẫn tới lệ thuộc quá sâu vào dây hụi.

Đây là một thực tế lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng rất ít người rút ra được bài học kinh nghiệm. Từ thực tế cũng đặt ra câu hỏi phải chăng đang có những lỗ hổng về mặt pháp lý dẫn tới khó khăn trong quản lý giám sát hoạt động của các đường dây hụi họ.

Quỳnh Nga/HTTV

Xem thêm phản hồi...