/

Từ chối đại học để làm gì?

09:09 02/01/2024
70 lượt xem

Rất nhiều bạn trẻ, sau khi tốt nghiệp THPT không tiếp tục học Đại học mà lựa chọn con đường ngắn nhất để tìm kiếm thu nhập qua xuất khẩu lao động.

 Tốt nghiệp THPT với số điểm 25,75, Võ Thu Hà (cựu học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà) đậu nguyện vọng 1 vào một trường Đại học ở Huế, nhưng em từ chối nhập học để làm hồ sơ sang Singapore lao động. Theo Hà, 4 năm ăn học Đại học phải mất khoảng 400 triệu đồng. Ra trường nếu công việc thuận lợi sẽ cần đến cả chục năm mới có thể thu hồi. Trong khi, chỉ cần đầu tư khoảng 150 triệu đồng đi xuất khẩu lao động, em sẽ có ngay thu nhập mỗi tháng vài ba chục triệu. Chỉ cần nửa năm là thu hồi vốn, thời gian còn lại đủ để tích lũy khoảng 5-7 trăm triệu để tính tiếp chặng đường sau.

Ảnh minh họa

Cách tính của Hà là khá thực tế và cũng là cách tính của rất nhiều phụ huynh, nhiều thanh niên hiện nay. Như tại Hà Tĩnh, một vùng đất mà tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ” đã ăn sâu như một nét văn hóa cố hữu, thì đến thời điểm hiện tại cũng đã ghi nhận hơn 500 thí sinh từ chối nhập học Đại học. Trước đó còn có hơn 2.600 thí sinh không đăng ký xét tuyển Đại học. Một số ít chuyển sang học nghề, còn phần lớn vẫn lựa chọn xuất khẩu lao động.

Rộng ra trên cả nước, năm nay có đến hơn 117.700 thí sinh từ chối Đại học, chiếm tỉ lệ 19,2% thí sinh đăng ký. Rất nhiều, rất nhiều em trong số đó quyết định sang Hàn Quốc, Đài Loan, vốn là những thị trường lao động khá dễ tính để làm công việc phổ thông. Mức thu nhập vài ba chục triệu mỗi tháng dĩ nhiên là không cao so với mặt bằng nước sở tại nhưng do chênh lệch giá trị đồng tiền nên khi gửi về gia đình vẫn thực sự hấp dẫn.

Từ những phép tính thực tế trên đây thì dường như bỏ học để đi xuất khẩu lao động đang là con đường ngắn nhất để tìm kiếm thu nhập. Thế nhưng liệu đây đã phải là con đường hợp lý cho cuộc đời mỗi cá nhân và rộng hơn là giải pháp pháp hợp lý cho một ngành kinh tế, một nền lao động chuyên nghiệp hay chưa, thì lại là điều cần phải suy nghĩ.

Những người trẻ tốt nghiệp THPT để đi xuất khẩu lao động hôm nay chắc chắn sẽ tiếp tục bổ sung vào nguồn lao động phổ thông hùng hậu của Việt Nam tại các nước.

Họ làm những công việc giản đơn như: Phụ gúp bán hàng, giúp việc gia đình hay là làm vườn, làm trang trại; cũng có thể làm những công việc nặng nhọc hơn như đánh cá, xây dựng, vệ sinh môi trường… Lao động phổ thông chỉ có thể giải quyết được vấn đề trước mắt là việc làm, thu nhập, còn những mục tiêu lâu dài của xuất khẩu lao động là tay nghề, là kỹ năng lao động công nghiệp thì gần như không thể lĩnh hội. Điều này giải thích vì sao, lao động hết thời hạn xuất khẩu trở về nước thường thất nghiệp, để rồi hoặc là tiêu hết tiền tích lũy, hoặc là tìm cách trở lại, trong đó có cả việc chấp nhận xuất cảnh trái phép với những cái giá lắm lúc là mạng sống. Ngoài ra cũng đã có những kết quả điều tra chỉ ra rằng: tỉ lệ lao động phổ thông trở về nước biết sử dụng nguồn tiền tích lũy để đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả là rất thấp.

Mặc dù có tỷ lệ xuất khẩu lao động cao, song lao động Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu làm những công việc giản đơn

Một thực tế trăn trở khác là tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại nước ngoài ngày càng nhiều. Lực lượng này chủ yếu rơi vào lao động phổ thông. Nguyên do lao động phổ thông có thu nhập không cao theo hợp đồng, nên khi ra nước ngoài luôn nhăm nhe phá ngang hợp đồng nếu tìm được chỗ làm tốt hơn. Tình trạng bỏ trốn bức bối đến mức, Bộ LĐTB&XH đã nhiều lần thông báo ngừng cấp phép cho công dân các địa phương có tình trạng bỏ trốn quá mức cho phép trong một số chương trình hợp tác, theo kiểu “quít làm cam chịu”. 

Nói như vậy để thấy rằng việc từ chối Đại học để đi xuất khẩu lao động của nhiều bạn trẻ hôm nay là một quyết định thiết thực, dũng cảm nhưng không hẵn đã là căn cơ. Dĩ nhiên các bạn sẽ không cần phải theo đuổi 4-5 năm Đại học đầy tốn kém và nặng về kiến thức hàn lâm, nhưng vài ba năm theo học trường nghề để trang bị kỹ năng, rồi sau đó đi xuất khẩu lao động theo đúng ngành nghề được đào tạo là điều có thể cân nhắc. Để thúc đẩy điều này, động lực sẽ phải đến từ chính sách. Cụ thể sẽ phải có nhiều chương trình hợp tác xuất khẩu lao động tay nghề cao được ký kết để rộng đường cho người lao động. Ngoài ra chính sách hỗ trợ học nghề ở các địa phương cần sát hơn với những chương trình hợp tác xuất khẩu lao động trình độ cao.

Vì mục tiêu đào tạo nhân lực thông qua xuất khẩu lao động, đã đến lúc cần phải thay thế dần các chương trình lao động phổ thông bằng lao động có tay nghề. Điều đó không thể được thực hiện thông qua những sự cả quyết theo kiểu từ chối Đại học, từ chối Cao đẳng và từ chối luôn cả trường nghề để đi xuất khẩu lao động ngay sau khi tốt nghiệp THPT như là câu chuyện đang diễn ra./.

Trần Long/HTTV

Xem thêm phản hồi...