/

Văn hoá giao thông bắt đầu từ đâu?

12:13 30/03/2024
52 lượt xem

Khi xảy ra tai nạn giao thông, thay vì cảm thông lại lao vào đánh lộn, khi gặp cảnh sát thay vì văn minh lịch sự lại cãi cọ, xin xỏ, rồi những sự vi phạm xảy ra thường xuyên như lấn làn, vượt ẩu, không chịu nhường đường… Tất cả đang làm méo mó cái gọi là văn hóa giao thông trên nhiều cung đường hiện nay.  

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền chóng mặt video clip ghi lại hình ảnh 2 người điều khiển xe máy liên tục tạt đầu chửi bới người lái xe ô tô trên đường vành đai 2 thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Cái sai của người điều khiển xe máy thì đã thấy rõ nhưng còn một điều khá phản cảm khác là ngay sau đó 2 người ngồi trên xe ô tô đã lao xuống hành hung người gây rối. Sự việc đã gây ách tắc giao thông, làm liên lụy đến hàng nghìn người và phương tiện trong một thời điểm.

Khi bị tạt đầu, gây sự, các tài xế đã lao vào nhau ẩu đả trên đường vành đai 2 (Hà Nội)

Tương tự như vậy, trong một Video Clip về vụ va quệt giao thông được cho là xảy ra tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, có thể dễ dàng nhận thấy người điều khiển ô tô di chuyển khá tùy tiện. Vụ việc có thể cũng chỉ dừng lại ở mức thương lượng, 2 bên tự thỏa thuận giải quyết hoặc sẽ bị xử phạt hành chính cho những sai phạm nếu có. Thế nhưng người điều khiển xe máy trong một phút thiếu kiểm soát đã lao tới dùng mũ bảo hiểm đập vỡ vụn kính xe ô tô.

Trong thực tế có vố số những sự xấu xí kiểu như vậy đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các cung đường.

Lưu thông trên đường là một trong những hoạt động chịu sự chi phối của nhiều mối quan hệ tương tác. Tương tác với người cùng tham gia giao thông, tương tác với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tương tác với cả các hệ thống biển báo, cảnh báo…Do vậy nếu không tự mình biết cách ứng xử đúng mực thì rất dễ nảy sinh những tình huống căng thẳng, bức xúc, đôi co không đáng có.

Trên thực tế có vô số những hành động kiểu như chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu, bấm còi inh ỏi, hoặc thậm chí leo lên vỉa hè… chỉ với một mục đích là bản thân được đi nhanh hơn, còn người khác như thế nào thì không cần biết. Khi xảy ra va quệt, tai nạn giao thông, thay vì bình tĩnh phân tích tình huống, hỏi han, đỡ đần nhau thì người trong cuộc lại tìm cách biện minh, đổ lỗi, thậm chí là “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Rồi đến khi bị cảnh sát giao thông xử phạt thì nào là biện bạch xin xỏ, nào là gọi điện cho người thân để nhờ can thiệp, thậm chí còn cãi cọ theo kiểu lý sự cùn để gây sức ép…

Văn hóa giao thông là nền tảng đảm bảo cho mọi trật tự nề nếp trong tham gia giao thông

Có thể nói văn hóa giao thông là nền tảng đảm bảo cho mọi trật tự nề nếp trong tham gia giao thông. Không phải ngẫu nhiên mà trong 2 năm liên tục, là năm 2023 và năm 2024, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã lựa chọn chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn" cho năm an toàn giao thông. Tự thân chủ đề này đã cho thấy: muốn xây dựng văn hóa giao thông thì điều cốt lõi vẫn phải là thượng tôn pháp luật. Nói cách khác văn hóa giao thông phải bắt đầu từ việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cho hệ thống pháp luật về giao thông được thực thi nghiêm minh, không có trường hợp ngoại lệ.

Nếu một chiếc xe “biển trắng” vượt tốc độ lập tức bị tuýt còi trong khi một chiếc xe “biển xanh” phóng nhanh hơn nhưng được cảnh sát giao thông bỏ qua thì bất công sẽ được tạo ra, và hình thành tâm lý khinh nhờn pháp luật. Khi bị xử phạt thay vì nộp phạt theo quy định, người trong cuộc thỏa thuận dấm dúi chia đôi cho lực lượng chức năng để được bỏ qua thì hẳn nhiên đa số sẽ chọn cách có lợi cho mình và khi đó tính răn đe của pháp luật sẽ bị triệt tiêu...Trong những trường hợp như vậy, thật khó để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để “đặt nền móng” cho việc xây dựng văn hóa.

Nếu tuân thủ pháp luật được xem là điều kiện tối thiểu để đảm bảo văn hóa giao thông thì việc xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống trách nhiệm chính là sự tối đa mà mỗi người cần phải có. Biết nhường nhịn khi tham gia giao thông, biết cảm thông chia sẻ khi xảy ra sự cố, biết kiểm soát cảm xúc trước những trái ngang bất thường, biết ứng xử lịch lãm, văn minh khi làm việc với cơ quan chức năng… Đây là tổng hòa của cả một quá trình giáo dục, đào tạo, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành.

Dĩ nhiên sự tối đa sẽ không bao giờ có giới hạn nhưng nếu trong từng tình huống, mỗi cá nhân cố gắng một chút thì sẽ góp phần xây dựng trật tự giao thông an toàn, thân thiện.

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy: trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng gần 20.000 vụ tai nạn giao thông. Tại Hà Tĩnh năm 2023 đã xảy ra 357 vụ, làm chết 190 người, bị thương 221 người. Và với sự lộn xộn trong tham gia giao thông như  hiện nay thì rủi ro có thể rơi vào bất cứ ai, xảy đến bất cứ lúc nào.

Điều đó nhắc nhở mỗi người phải biết tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật như là một yêu cầu tối thiểu và nêu cao văn hóa giao thông như là một điều kiện tối đa để cùng bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng mỗi khi ra đường.

Linh Thủy/HTTV

Xem thêm phản hồi...