/

Vì sao cứ phải đổ lỗi?

18:08 23/03/2024
895 lượt xem

Khi gặp bất cứ sự cố nào, mỗi người thường phản ứng bằng cách đổ lỗi. Nói cách khác, đổ lỗi như là một hành động phòng thủ, tự vệ, tìm kiếm cảm giác an toàn, né tránh trách trách nhiệm. Xét về mặt tâm lý đây là một liệu pháp nhưng xét về hiệu quả công việc, hiệu quả cuộc sống thì liệu đây có thể là một giải pháp?

Ông Trần Quốc Chỉnh ở phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh đã có những năm tháng trực tiếp làm công tác giảng dạy. Bên cạnh rất nhiều niềm vui, niềm tự hào của nghề giáo, thì điều khiến ông ưu tư đó là vẫn có khá nhiều phụ huynh trách móc đổ lỗi theo cách này hay cách khác khi kết quả học tập rèn luyện của con em không được như mong muốn. Đủ thứ phàn nàn: nào là thầy cô chưa sát sao uốn nắn, nào là cách dạy cách học thiếu khoa học, nào là nghiệp vụ sư phạm còn nghèo nàn...Theo ông Chỉnh thì phụ huynh đã quên mất rằng: để giáo dục nên một học sinh tử tế thì không chỉ cần đến nhà trường mà còn phụ thuộc rất nhiều vào xã hội, vào gia đình, trong đó có chính phụ huynh là những người đóng vai trò hết sức quan trọng.

Một lĩnh vực cũng thường xuyên nhận được sự phàn nàn, trách móc, đổ lỗi đó là Y tế. Không phủ nhận những giới hạn về mặt năng lực, trình độ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng tự thân mỗi cán bộ y bác sỹ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ công việc, bởi đó vừa là lương tâm, nhưng cũng là thương hiệu và trong cơ chế tự chủ hiện nay còn là thu nhập. Thế nhưng rất nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lại không nghĩ thế. Chỉ đơn giản là nếu việc xếp hàng chờ đợi lấy số vào khám mất nhiều thời gian thì sẽ đổ lỗi là do quy trình đón tiếp của Bệnh viện không khoa học. Nếu bệnh tình trở nặng thì cho là bác sĩ thiếu chuyên môn. Nếu không đủ giường bệnh thì cho là bác sĩ không quan tâm…Những áp đặt, bức xúc không đáng có đã khiến cho việc khám chữa bệnh của y bác sỹ bị ảnh hưởng khá nhiều.

Đổ lỗi dường như là một phản ứng của bất cứ ai xảy đến trong bất cứ hoàn cảnh nào, đến mức nhiều người cho rằng: trong cuộc sống đang tồn tại một thứ văn hóa gọi là văn hóa đổ lỗi. Những bà mẹ khi chăm con nếu chẳng may con bị vấp ngã thì mượn cái bàn, cái ghế để đổ lỗi. Lớn lên nếu con ngỗ ngịch thì biện bạch là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Đi học nếu kết quả không được như mong muốn thì đổ cho nhà trường, thầy cô thiếu quan tâm, thiếu phương pháp. Đi làm nếu không ưng ý thì đổ cho môi trường công việc, cho cơ chế quản lý và cho cấp trên. Đến hết cuộc đời nếu còn gì đó chưa hài lòng thì đổ cho số phận...

XEM THÊM: Vì sao cứ phải đổ lỗi?

Về cơ chế tâm lý, theo các chuyên gia đổ lỗi chính là một cách để giải phóng nỗi lo lắng, mang đến cho mình cảm giác an toàn và thậm chí là đòi hỏi ai đó phải chịu trách nhiệm cho sự bất công trong cuộc đời mình. Vấn đề là những nhu cầu đó sẽ chẳng bao giờ được đáp ứng nếu tự thân không nỗ lực, cố gắng.

Thực tế cho thấy: trong cuộc sống và công việc, nếu chỉ chăm chăm đổ lỗi thì mỗi cá nhân sẽ không bao giờ thấy được khiếm khuyết của mình để nỗ lực thay đổi hoàn cảnh. Anh Trần Thế Anh là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông và lập trình. Đã có những thời điểm Công ty lâm vào tình cảnh kiệt quệ. Thay vì đổ lỗi cho đại dịch Covid, đổ lỗi cho nhân sự yếu kém, anh đã tự soát xét xem mình đã sai ở chỗ nào, để rồi từng bước xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Đến nay Công ty đã vận hành khá hiệu quả.

Theo các chuyên gia, đổ lỗi có thể là một liệu pháp tâm lý, xoa dịu nỗi đau và di dưỡng tinh thần nhất thời nhưng chắc chắn đó không phải là giải pháp thay đổi hoàn cảnh. Và từ câu chuyện của doanh nhân Trần Thế Anh phần nào cho thấy: để quá không sa đà vào đổ lỗi, thì điều cần thiết phải dám dũng cảm, chính trực nhìn vào bản thân. Muốn vậy nền tảng không thể thay thế vẫn là vốn hiểu biết, sự tự tin và lòng tự trọng.

Phải khẳng định rằng: đổ lỗi là một phần của cuộc sống. Và nếu lý do chính đáng thì việc đổ lỗi cũng là cách để chỉ ra nguyên nhân, khắc phục tồn tại. Tuy nhiên đổ lỗi sẽ không làm mỗi người hạnh phúc hơn, thay vào đó:  sự chính trực và cảm giác chiến thắng cảm xúc tiêu cực của bản thân mới là sự bù đắp lớn nhất sau những vấp váp, tổn thương, đổ vỡ...Do đó cùng với văn hóa đổ lỗi thì mỗi người nên chăng hãy tự biến mình thành một phần của văn hóa nhận lỗi.

                                                                                                            Thục Anh/HTTV

Xem thêm phản hồi...