/

Vì sao cứ phải giấu bệnh?

10:00 29/12/2023
132 lượt xem

Ốm đau, bệnh tật là điều bất hạnh có thể xảy đến với bất cứ ai theo bất cứ nguyên nhân nào. Thế nhưng trong thực tế lại đang có những căn bệnh được coi là tế nhị, nhạy cảm, đến mức người trong cuộc cũng phải tìm cách giấu bệnh. Điều này vô hình trung làm cho bệnh tình thêm nặng.

Cách đây hơn 4 tháng, bệnh N.T.L nhân nhập viện tâm thần với những biểu hiện rối loạn tâm lý. Trước đó bệnh nhân N.T.L có hiện tượng thường xuyên nói chuyện một mình, xuất hiện ảo giác trong đầu, và có những thời điểm đã nghĩ quẩn. Cho rằng con bị ma quỷ ám, bố mẹ đã đi cầu cúng tại đền chùa và mời thầy về nhà làm lễ. Chỉ đến khi bệnh không thuyên giảm mới quyết định đưa con đến viện.

Đó là một quyết định đầy sự cân nhắc bởi trong suy nghĩ của bậc làm cha làm mẹ: Một khi đưa con đến Bệnh viện tâm thần khác nào thừa nhận con bị tâm thần. Giờ đây khi đã trở lại trạng thái cân bằng, bản thân người bệnh cảm nhận khá rõ những sự thận trọng của bố mẹ.

Bệnh N.T.L trao đổi với phóng viên

Sự kỳ thị trước đó của những người xung quanh đã khiến gia đình em phải giấu bệnh. Và dĩ nhiên khi đã giấu thì bệnh tình sẽ lại càng nặng hơn.

Nỗi khổ tâm trên đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều người bị rơi vào các rối loạn tâm thần. Kỳ thị, dè dặt, phân biệt…là biểu hiện chung của tâm lý xã hội. Cho dù trong thực tế, bất cứ ai cũng có thể mang bệnh.

Theo các chuyên gia: cuộc sống càng hiện đại, áp lực công việc càng gia tăng thì rối loạn tâm thần càng trở nên phổ biến. Nhẹ có thể là đau đầu, mất ngủ, lo âu, mệt mỏi triền miên, nặng sẽ là trầm cảm, hoang tưởng và tâm thần phân liệt.

Thống kê năm 2019 của WHO đã chỉ ra rằng: cứ 8 người trên thế giới thì có một người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Còn tại Việt Nam theo thống kê của Bộ Y tế: có gần 15 triệu người mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp.

Cũng theo các chuyên gia thì trầm cảm nói riêng và các rồi loạn tâm thần nói chung là căn bệnh thứ 2 gây hại đến sức khỏe và làm suy giảm sức lao động của con người chỉ sau tim mạch. Nguy hiểm và phổ biến là vậy, thế nhưng lại vẫn cứ tồn tại sự kỳ thị trong tâm lý xã hội về người mắc bệnh tâm thần.

Với rất nhiều người, nhập viện để điều trị tâm thần là một quyết định phải thật sự cân nhắc. Điều đó đã cản trở đến hiệu quả chữa bệnh, gây khó khăn cho các hoạt động chuyên môn. 

Không nhập viện, ngại nhập viện, từ chối liệu pháp điều trị….đồng nghĩa số lượng người bị rối loạn tâm thần trong xã hội sẽ gia tăng.

Thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy: Hà Tĩnh đang có khoảng 5 nghìn người bị rối loạn tâm thần. Phần lớn đang sống chung trong cộng đồng. Nhiều người bình thường tưởng như khỏe mạnh, nhưng khi lên cơn thì không thể kiểm soát được cảm xúc, hành vi.

Không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra. Thậm chí trong thời gian qua một số nơi ở Kỳ Anh, Hương Khê, Đức Thọ, Hương Sơn đã xảy ra án mạng do người tâm thần sống chung trong cộng đồng.

Án mạng chỉ là một trong những nỗi đau khi người tâm thần không được quản lý và chữa trị đúng cách. Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vào năm 2017 đã cung cấp một con số giật mình, đó là 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm.

Con số này gấp 4 lần số tử vong do tai nạn giao thông. Tự tử có thể do bệnh nhân bị các hội chứng ảo thanh, ảo giác nhưng cũng rất có thể đến từ sự kỳ thị của những người xung quanh. Điều đó cho thấy chính tâm lý xã hội đang làm trầm trọng thêm một căn bệnh trầm trọng vốn xuất hiện ngày một nhiều hơn giữa vô vàn áp lực.

Trong thực tế không chỉ là rối loạn tâm thần, mà còn nhiều bệnh khác cũng nằm trong diện bị xã hội kỳ thị, dè dặt. Có thể kể ra như bệnh HIV, các bệnh liên quan đến lây nhiễm qua đường tình dục, qua đường hô hấp…Hay như trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid 19, nhiều người cũng đã rơi vào trạng thái căng thẳng giấu bệnh.

Một số người không may nhiễm bệnh đã bị dư luận thêu dệt với đủ thứ quan hệ không trong sáng. Chính những nhận thức kiểu như thế này đã không chỉ khiến một bộ phận xã hội trở nên vô cảm, tàn nhẫn trước nỗi đau đồng loại mà còn làm gia tăng nguy cơ bệnh tật.   

Bệnh trầm cảm nói riêng và các rối loạn tâm thần nói chung, dù muốn dù không thì vẫn luôn nảy sinh, tồn tại, âm thầm tàn phá sức khỏe, tàn phá cuộc sống của rất nhiều người. Việc điều trị không chỉ là dùng thuốc, mà còn bao gồm cả liệu pháp tâm lý, tư vấn và hỗ trợ xã hội. Những nỗ lực của từng cá nhân trong việc cởi bỏ mặc cảm, chủ động tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần là hết sức cần thiết, nhưng điều cần thiết hơn chính là sự hiểu biết, thấu cảm của những người xung quanh. Đó không chỉ là cách để chia sẻ nỗi đau mà còn là giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn./.

Kiều Sương/HTTV

Xem thêm phản hồi...