/

Xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông- vì sao vẫn là chuyện lạ?

16:01 20/03/2024
77 lượt xem

Theo thống kê tại Việt Nam, có 26% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ. Tình trạng người đi bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu. Thế nhưng việc xử lý hầu như không đáng kể, thậm chí tại nhiều nơi gần như là bằng không. Vì sao lại có mâu thuẫn này?

Đi dưới lòng đường, giữa các phương tiện khác đang lưu thông, bất chấp mọi nguy hiểm…những hành vi kiểu như vậy xuất hiện nhan nhản trên các tuyến đường, bất cứ ai cũng có thể bắt gặp. Lý do mà người đi bộ vi phạm đưa ra là để rút ngắn thêm một chút khoảng cách, hoặc để nhanh hơn một chút về mặt thời gian.

Nhiều người trèo qua dải phân cách chỉ để...nhanh hơn một chút

Sự tùy tiện trong tham gia giao thông và cả sự hồn nhiên trong cách giải thích cho thấy chẳng ai nhận ra mối nguy hiểm và sự vô lối trong chấp hành pháp luật.

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy: trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng gần 20.000 vụ tai nạn giao thông, trong đó có tới 26% số vụ liên quan đến người đi bộ. Nói cách khác số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ sẽ vào khoảng hơn 5000 vụ mỗi năm. Đây là một con số khá lớn nhưng không bất ngờ vì trong thực tế tình trạng người đi bộ vi phạm các quy định về an toàn giao thông diễn ra quá phổ biến.

Nhiều người vô tư tập thể dục ngay giữa lòng đường

Vô số những tình huống kiểu như: đi bộ như không tuân thủ phần đường, sẵn sàng vượt qua các dải phân cách cứng, băng cắt qua đường, di chuyển tạt ngang qua đầu mũi phương tiện đang lưu thông, ngang nhiên di chuyển dưới lòng đường, bất chấp các loại đèn biển báo…

Vấn đề là vi phạm thì rất nhiều nhưng xử lý người đi bộ vi phạm thì rất ít. Tại nhiều địa phương đơn vị, thậm chí là bằng không. Đâu đó người đi bộ bị xử phạt vi phạm giao thông thì được xem là chuyện lạ.

Tuyên truyền, nhắc nhở vẫn là cách mà lực lượng chức năng áp dụng trong các tình huống vi phạm của người đi bộ. Rồi nữa khi điều không may mắn xảy ra là tai nạn, thì người đi bộ hầu hết đều vô can. Gánh nặng bồi thường, trách nhiệm pháp luật chủ yếu đặt ra cho cho các chủ phương tiện liên quan, bất kể nguyên nhân thuộc về ai.

Đây là một nhận thức hoàn toàn cảm tính và phi lý nếu biết rằng: điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng chủ thể của hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ là “Người tham gia giao thông”, bao gồm cả người điều khiển phương tiện và người đi bộ.

Xem thêm: Xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông- vì sao vẫn là chuyện lạ?

Nghị định 100 về xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ quy định rõ: mức phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng cho người đi bộ nếu vi phạm các hành vi như: không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Phạt 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc. Trường hợp vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự.

Như vậy là nội dung, tính chất vi phạm đã được quy định, mức độ xử phạt đã được nêu rõ, phần còn lại là lực lượng chức năng đã đặt vấn đề một cách đúng mức hay chưa?

Luật pháp là để điều chỉnh tất các mối quan hệ theo một quy chuẩn nhất định và về nguyên tắc mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Do vậy việc xem nhẹ sự vi phạm giao thông của người đi bộ đã cho thấy một sự không khách quan, công bằng trong nhận thức và hành động của lực lượng thực thi pháp luật nói riêng và xã hội nói chung.

Và phải chăng cũng vì sự dễ dãi trong nhận thức và chấp hành nên đã dẫn tới những tình huống kiểu như khi xảy ra tai nạn va quệt thì xe to phải đền cho xe nhỏ, người điều khiển phương tiện phải đền cho người đi bộ, người có điều kiện kinh tế hơn phải chia sẻ cho người không có điều kiện…

Chính những sự phi lý được chấp nhận như là một sự hợp lý đã góp phần phá vỡ quy chuẩn, trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên tình trạng lộn xộn trong tham gia giao thông và sự xấu xí trong văn hóa giao thông./.

Kiều Sương/HTTV

Xem thêm phản hồi...