/

Bỏ quên con trẻ

17:47 10/06/2024
24 lượt xem

Bỏ quên trẻ trên xe ô tô dẫn tới tử vong, bỏ quên trẻ dưới bể bơi dẫn tới đuối nước…Những vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra. Sự phẫn nộ, bức xúc của dư luận trong một thời điểm là hoàn toàn dễ hiểu nhưng liệu mấy ai đã tự vấn rằng chính mình trong nhiều trường hợp cũng đang bỏ rơi con trẻ theo cách này hay cách khác?

Ảnh minh họa

Một cháu bé 5 tuổi là học sinh của một trường mầm non tư thục tại tỉnh Thái Bình đã tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón suốt 11 tiếng đồng hồ vào cuối tháng 5 vừa qua. Vụ việc gợi lại nỗi đau của 5 năm trước khi tình huống tương tự xảy ra tại Trường Tiểu học Gateway (Hà Nội) khiến một đứa trẻ 6 tuổi cũng tử vong vì bị bỏ quên trên xe buýt.

Một đứa trẻ, một con người trên xe nhưng lại dễ dàng bị bỏ quên như một thứ đồ vật. Không ai để ý, dù đó là tài xế đưa đón, là người quản lý, hay giáo viên chủ nhiệm. Dù rằng tất cả đều có quy trình và nghĩa vụ của các bên liên quan đều phải tuân thủ đúng quy trình.

Trong thực tế có rất nhiều tình huống người lớn bỏ quên dẫn đến hệ quả đau lòng. Như vào tháng 8/2023, một thầy giáo dạy bơi ở quận Hà Đông (Hà Nội) vì mải mê bấm điện thoại mà quên mất một học sinh chấp chới dưới bể.

Ngay cả khi nhân viên vệ sinh dọn bể phát hiện thi thể chết chìm dưới nước thì thầy giáo vẫn còn say sưa với điện thoại. Hay như mới đây nhất, vào ngày 4 tháng 6, một em bé tử vong, một em bé phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tại bể bơi của một khu biệt thự tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chỉ vì bố mẹ mải mê đứng chụp ảnh mà quên mất việc theo dõi.

Hầu như sau mỗi vụ tai nạn thương tích cho con trẻ, luôn thấy thấp thoáng một sự bỏ quên nào đó của người lớn.

Không chỉ bỏ quên trẻ trong các hoạt động mà rất nhiều người lớn hoặc là vô tình, hoặc là cố tình bỏ quên trẻ về mặt cảm xúc. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng ép con phải học, phải chơi theo cách mà người lớn mong muốn. Trên trường con phải giỏi Toán, giỏi Tiếng Anh, đến với các Trung tâm con phải biết đàn, biết nhảy.

Rồi khi chọn trường thì phải là trường điểm, trường chuyên, trường quốc tế, khi chọn ngành thì phải là ngành hót, ngành thời thượng…Rất nhiều, rất nhiều phụ huynh đang ứng xử với con theo cách như vậy mà quên rằng mỗi đứa trẻ đều có một đam mê, sở trường và năng khiếu riêng có.

Như trường hợp của chị Trần Thị Hà ở phường Hà Huy Tập là một ví dụ. Suốt một thời gian dài, chị đã gửi con hết cơ sở này đến cơ sở khác với mong muốn con học tốt các môn văn hóa, nhất là Toán, Văn, Tiếng Anh. Thế nhưng cậu bé lại chỉ thích học võ.

Cho đến một ngày vợ chồng chị quyết định cho con tham gia lớp năng khiếu võ thuật của Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT tỉnh mới nhận ra rằng lâu nay mình đang áp đặt con để rồi bỏ quên thế mạnh của con.

Cuộc sống sống với áp lực cạnh tranh đã cuốn người lớn vào những cuộc hơn thua. Trong vòng xoáy đó, người lớn không chỉ bỏ quên rất nhiều những cử chỉ quan tâm, chăm sóc mà còn áp đặt nhu cầu, sự hãnh diện cá nhân lên chính con trẻ. Trong mắt người lớn, suy nghĩ thường trực đó là: “trẻ con thì biết cái gì”.

Một đứa trẻ được coi là ngoan khi không cãi lại người lớn. Thế mới có chuyện thầy hiệu trưởng ăn bớt cả tiền ăn học sinh, dạy học sinh nói dối như từng xảy ra ở một trường tiểu học tại thành phố Thanh Hóa cách đây 2 tháng. Và cũng vì thế mới có câu chuyện về những đứa trẻ gieo mình tự sát chỉ vì chúng bị “bỏ quên” trong chính căn nhà của mình.

Luật Trẻ Em đã có nhưng bao nhiêu người lớn chịu đọc? Quyền Trẻ Em cũng có nhưng bao nhiêu người lớn chịu trao và tuân thủ? Hay người lớn cứ thế mặc định trẻ con là phải nghe lời, cha mẹ đặt đâu phải ngồi yên đấy. Rồi nữa, bao nhiêu người lớn đã từng nói lời xin lỗi con trẻ khi thấy mình sai?

Tháng 6 là tháng hành động quốc gia vì trẻ em. Thông điệp của tháng hành động năm nay là: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ”. Việc ưu tiên nguồn lực là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức.

Còn hành động thiết thực sẽ phải bắt đầu từ mỗi người lớn, mà trực tiếp là người cha, người mẹ, rồi các thầy cô giáo. Chu cấp đầy đủ cuộc sống ăn học là hành động thiết thực nhất nhưng còn một sự thiết thực không kém phần quan trọng đó là phải biết lắng nghe con, tôn trọng cảm xúc, đam mê của con.

Trở lại vụ việc cháu bé tử vong vì bị bỏ quên trên xe ở tỉnh Thái Bình. Dư luận phẫn nộ vì sự vô tâm, vô tình bỏ quên một đứa trẻ vô tội. Nhưng nhìn rộng ra liệu mấy ai đã tự vấn có bao nhiêu đứa trẻ đang bị bỏ quên về suy nghĩ, cảm xúc trong cuộc đời. Mọi sự bỏ quên dù lớn dù nhỏ đối với con trẻ cũng sẽ mang đến những sự khuyết thiếu về hạnh phúc khi trưởng thành sau này./.

                                                                                                                         Kiều Sương/HTTV

Xem thêm phản hồi...